SUY NGHĨ VỀ VẤN NẠN LOẠI TĂNG RA KHỎI TAM BẢO

Anh Q. N. thân mến,

Bài viết này xem như tôi đặc biệt viết riêng cho anh, nhưng vì phạm vi đề cập của nó có thể gợi sự quan tâm đến nhiều người nên tôi xin được đưa lên blog này để chia sẻ với nhiều bạn đọc khác. Hơn nữa, những email mà anh forward đến tôi cũng đã qua tay nhiều người khác, nên tôi nghĩ đây không phải là chuyện riêng tư cần phải giữ kín.

Thưa anh,

Tôi đã nhận được 3 email từ anh với lời kèm theo khiêm tốn: “Kính xin anh cho một lời khuyên.”

Khuyên bảo thì tôi thực sự không dám đâu anh ạ, nhưng vì những điều anh chuyển đến tôi cũng là chuyện liên quan đến Phật pháp, đến sự tu tập của tất cả chúng ta, nên tôi cũng xin mạo muội nói ra đôi điều, mong rằng có thể giải tỏa được ít nhiều nghi ngại nơi anh, nếu có. Nhận thư anh vào sáng nay. Đọc kỹ qua rồi thì chấp bút viết cho anh ngay, cứ xem như là nghĩ sao viết vậy, biết đến đâu thưa đến đó, e rằng cũng không khỏi còn có những chỗ chưa được chỉnh chu, mong anh bỏ quá cho vậy.

Trong 3 email của anh thì có 2 vấn đề chính. Tôi xin phép đề cập đến từng vấn đề một.

Trước hết là chuyện kêu gọi trì chú đại bi để hồi hướng cho cô Nguyễn Thị M. được khỏi bệnh ung thư, kèm theo thư của một bác tên D. A., từ chối tham gia việc này và giải thích về ý nghĩa hộ niệm vãng sinh.

Về việc này, tôi cũng không biết anh nghi ngại chỗ nào, nhưng đã đọc qua sự việc rồi thì tôi có mấy nhận xét như sau, cứ xem như chia sẻ ý riêng với anh thôi vậy.

Khi tôi vào xem trang web có lời kêu gọi trì chú hộ niệm cho cô M. thì đã có 165 người đồng ý đăng ký tham gia trì chú đại bi nhằm hồi hướng cho cô, theo phương thức và thời gian như ban tổ chức có đăng tải cụ thể.

Theo tôi nghĩ thì đây hoàn toàn là một việc nên làm, thể hiện đức từ bi và tâm vị tha của người Phật tử, cũng như đức tin vào những lời dạy của Phật trong Kinh điển. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mỗi người chúng ta có đủ ngoại duyên và nội lực để tham gia hay không mà thôi. Nếu không tham gia được thì tùy hỷ theo việc làm của những người đã tham gia cũng tốt, vì tất nhiên đây không phải là chuyện bắt buộc, cũng không phải một pháp tu mà tất cả Phật tử đều phải làm theo.

Vì thế, tôi hơi chạnh lòng khi đọc thư của bác D. A. Thật ra, những điều bác nói là rất chính xác, có thể nói là hoàn toàn đúng theo Kinh điển chứ không có gì sai lệch. Bác viết rằng:

Người muốn hộ niệm vãng sanh thì chính người bệnh phải ngộ ra chút đạo. Nghĩa là phải coi cái thân nghiệp này là giả tạm. Khi đau bệnh thì thành tâm cầu được vãng sanh bằng cách niệm Phật cầu giải bỏ báo thân. Tín Nguyện hạnh đầy đủ thì được vãng sanh.

Còn những người này họ tha thiết cầu mong hết bệnh. Nghĩa là tham sống sợ chết. Vì quá tham luyến cái thân thì không thể thoát được đâu!

Nói chung, chú không thể tham gia cùng họ đề cầu cho hết bệnh. Vì khuyên họ cầu hết bệnh thì không đúng với pháp hộ niệm. Người còn tham chấp thân bệnh, nhất định không thể được cảm ứng, khi chết thì phải theo nghiệp thọ báo.

Người quyết buông xả vạn duyên, không sợ chết, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì như chư Tổ nói, nếu thân nghiệp mãn thì được vãng sanh Tịnh độ. Nếu thân nghiệp chưa mãn thì tự nhiên được Phật gia trì mà hết bệnh. Ở đây họ không tin đạo lý này thì chú chịu thua!

Thôi việc này tùy theo duyên phần của họ. Ngoài khả năng của chú. Chú không thể tham gia được.

Những điều này quả là đúng thật. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được đầy đủ như thế. Người ta hầu như đa phần ai cũng vậy, khi đối mặt với bệnh tật, đau đớn, nhất là khi có nguy cơ tử vong, thì sự sợ hãi hốt hoảng hay đau khổ, tham sống sợ chết vốn là chuyện rất bình thường. Lời của bác D. A. đúng về lý mà chưa thông về sự; đúng về thể mà chưa hay về dụng.

Vì sao tôi nói như vậy? Đạo Phật đặt nền tảng trên từ bi và trí tuệ. Có từ bi thì mới khởi được tâm yêu thương, càng thương xót nhiều hơn đối với những ai đang đau khổ. Chính vì có từ bi nên chư Phật, Bồ Tát mới thị hiện ở đời để cứu vớt chúng sinh. Nếu chúng sinh không mê muội, khổ đau, không tham sống sợ chết thì đâu cần chư Phật xuất thế? Bởi vậy, người bệnh muốn cầu nguyện cho được khỏi bệnh thì đúng là còn mê muội, nhưng đó là sự mê muội đáng thương hơn đáng trách, và ta càng cần phải đưa tay cứu vớt, hay ít nhất cũng là xoa dịu hoặc an ủi họ, từ đó mới có thể có điều kiện, phương tiện gần gũi rồi dần dần soi rọi ánh sáng Chánh pháp vào tâm thức họ, giúp họ không còn mê muội như trước. Cho dù không được như thế thì cũng cố gắng giúp họ gieo chút duyên lành được đến gần Phật pháp hơn. Được đến mức nào cũng đều là đáng quý cả. Nếu ta thấy họ mê muội mà từ chối quay lưng thì ai sẽ dắt dẫn họ về gần Chánh pháp? Do nơi ý nghĩa này mà Phật đã thuyết phẩm kinh Phổ môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chắc hẳn anh và nhiều Phật tử khác cũng đều rất thường tụng đọc.

Phẩm kinh Phổ môn nói rằng, người khổ đau, kẻ bệnh hoạn, người mong cầu con trai, con gái, cho đến những kẻ đang gặp hiểm nạn, lao tù… nếu xưng tụng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì ngài đều sẽ theo âm thanh ấy mà cứu giúp cho được toại ý vừa lòng, tai qua nạn khỏi.

Anh thấy không, những người cầu nguyện với Bồ Tát Quán Thế Âm như thế, đều là những người còn si mê cả, vì chưa thấu được lý nhân quả, chưa thấy được lẽ vô thường, còn bám chấp vào những điều hư huyễn của đời sống thế tục. Thế nhưng, Bồ Tát thị hiện đều là vì họ, không phải vì những người đã được giác ngộ. Vì có chúng sinh si mê nên Bồ Tát mới phát đại nguyện cứu khổ, đó đều là do tâm đại từ đại bi muốn phương tiện dẫn dắt họ về với Chánh pháp đó thôi.

Vì thế, nếu nói rằng chúng sinh mê muội không thể cứu vớt mà quay lưng đi thì không đúng tinh thần từ bi của đạo Phật. Mà như thế thì rõ ràng chỉ hiểu đạo Phật qua lý thuyết chứ không thông suốt việc vận dụng chân lý vào cuộc sống. Phân biệt rõ sáng suốt và mê muội là thấu hiểu được cái thể tánh chân thật của thực tại, nhưng quay lưng với chúng sinh si mê thì đó là chưa thấy được cái dụng của thể tánh ấy.

Đến đây, chắc anh đã hiểu rõ ý tôi. Thôi thì bản thân tôi cũng chỉ biết cầu nguyện cho cô M. được nhẹ phần nghiệp báo, thêm chút duyên lành với Phật pháp, để trong cuộc trôi lăn giữa chốn luân hồi này vẫn còn mong có ngày được ánh từ quang của Phật pháp chiếu soi.

Về vấn đề thứ hai, trình bày trong 2 email anh chuyển sau. Đó là vấn đề được mô tả qua 2 bài viết như là “vấn nạn loại tăng ra khỏi Tăng bảo” và “niệm Phật vãng sinh… … Chánh pháp hay mạt pháp”.

Bài thứ nhất do một vị tăng hiệu Thích G. T. viết, đã đăng trên phattuvietnam.net (http://www.phattuvietnam.net/diendan/16397.html) vào ngày 21 tháng 9 vừa qua. Bài thứ hai đăng vào ngày 26 tháng 9, nghĩa là sau đó 5 ngày, (http://www.phattuvietnam.net/diendan/16447.html) ký tên M. G., có lẽ là cư sĩ và có nhắc đến bài viết thứ nhất.

Thưa anh, việc anh quan tâm đến các bài viết này có lẽ cũng là do bức tranh ảm đạm, tăm tối mà các bài viết này đã vẽ nên. Thế nhưng, sau khi đọc kỹ thì tôi thấy sự việc chẳng có gì to tát cả, và thậm chí là sự quan tâm quá đáng của những người viết bài dường như trong một chừng mực nào đó đã làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Tôi cũng hơi lấy làm lạ là hiện có rất nhiều chuyện đáng quan tâm hơn, thực sự quan trọng hơn, nhưng lại thấy rất ít người quan tâm đến. Trong một phần sau của bài này, tôi sẽ quay lại với suy nghĩ đó.

Trước hết, về mối ưu tư của vị thầy Thích G. T. là “Tăng sẽ bị loại trừ ra khỏi Tam bảo”, mà nguyên nhân là do một số cư sĩ tuy đã quy y, có niệm Phật nhưng không thừa nhận vai trò của Tăng Ni. Những người này được đề cập đến như là các “ban hộ niệm tự phát”, chuyên lo việc hộ niệm cho những người lâm chung, nhưng theo thầy G. T. thì họ không thực hành đúng Chánh pháp, nhất là họ tỏ rõ sự “dị ứng” với chư vị tăng ni. Thầy trình bày vấn đề khá chi tiết thông qua trích lời một người phụ nữ và đến gần kết bài viết thì thầy buông ra một đoạn văn hết sức thống thiết như sau:

… Cá nhân tôi nếu các vị trong BHN mà cùng ngồi xuống cho chúng tôi giáp mặt, chúng tôi lạy các vị vạn lạy, như năm xưa khi thọ giới lớn về tôi lạy bộ kinh Vạn Phật để trả ơn Tam Bảo, trả ơn giới sư đã truyền giới cho tôi tu hành.

Tôi lạy các vị và kêu lên thống thiết rằng: “Các vị đừng bỏ công ăn việc làm, đừng bỏ công việc gia đình, đừng tránh né đưa đón con đi học, đừng xao lãng trách nhiệm làm vợ, làm cha để dành hết thời giờ cho BHN tự phát, để cầu cho người chết được vãng sinh (mà có thật vãng sinh không?) mà đạo pháp thì lụi tàn, Tăng Bảo không còn ở thế gian. Ngoại đạo tung hoành truyền đạo giữa chốn không người.”

Xuất phát từ sự mê muội của một nhóm người – cứ tạm cho là như thế – mà một vị tăng phải thống thiết than van, phải hạ mình nói ra những câu như thế với hàng cư sĩ, theo tôi nghĩ quả thật là không đáng! Như thế thì còn đâu cái phẩm chất cao quý của bậc Như Lai trưởng tử, của bậc Tam giới Đạo sư? Nhất là khi thầy “lạy các vị vạn lạy, như năm xưa khi thọ giới lớn về tôi lạy bộ kinh Vạn Phật để trả ơn Tam Bảo” thì thật là lầm lẫn quá lắm! Sao lại có thể so sánh việc cúi lạy những kẻ mê muội đang làm hại đạo pháp – theo cách nhìn của thầy – với việc lạy Kinh điển để trả ơn Tam bảo? Điều đó liệu nói lên được chút ý nghĩa tích cực gì? Lẽ ra, thầy phải nghĩ cách giáo hóa họ, làm cho họ hiểu đúng về Chánh pháp, đưa họ về đường ngay nẻo chánh, chứ sao lại “lạy các vị vạn lạy” là ý nghĩa gì? Thầy là người tu theo hạnh từ bi của Phật, rèn luyện tuệ giác của Phật, ít nhiều phải sáng suốt hơn mới thấy được sự mê lầm của họ. Sao không dùng ánh sáng trí tuệ phá trừ bóng tối si mê, mà lại… xuống nước van lạy họ? Để họ cảm động mà từ bỏ sự mê lầm được chăng? Có lý nào lại như thế?

Giờ nói qua một vài suy nghĩ của tôi về các nhóm hộ niệm mà thầy G. T. đề cập trong bài viết. Thật ra, cũng không thể nói rằng họ đều là những người sai lầm, sa đọa. Nói một cách tổng quát thì việc làm của họ biểu lộ hiện nay là sai lầm, nhưng nếu ta không hiểu cặn kẽ hơn về họ thì rất khó lòng chuyển hóa hay làm cho họ thay đổi được. Đa số họ đều tin chắc vào pháp môn Tịnh độ nhưng không có một vốn hiểu biết sâu xa về Phật pháp, từ đó dẫn đến hiểu sai, diễn giải sai về ý nghĩa kinh điển, và do đó tất yếu dẫn đến thực hành sai. Nhưng nếu quơ đũa cả nắm mà bảo họ cố tình phá hoại đạo pháp và “… còn đáng lo đáng sợ hơn nhiều so với chuyện cải đạo tín đồ Phật giáo công khai mà các tôn giáo khác đang thực hiện khắp mọi miền đất nước mà mọi người đều nhìn thấy” thì e là không đúng. Họ tin pháp môn Tịnh độ, nhưng việc hiểu sai ý kinh, thực hành sai lệch, trước hết là do sự mê muội của chính bản thân họ, nhưng tiếp đó cũng cần phải xem lại. Khi nói rằng “họ đều có quy y, có pháp danh”, vậy tức là họ cũng đã từng quỳ lạy quý thầy để thọ Ngũ giới, nhưng liệu những vị thầy mà họ quy y đã làm được gì cho họ? Đã dạy dỗ, giáo hóa họ như thế nào? Và tại sao họ có thái độ “dị ứng” với tăng ni? Những chuyện này, tôi nghĩ không thể không xem xét đến, vì như trong bài viết cũng thừa nhận là họ không chỉ một, hai người, mà là một số đông đến mức đáng lo ngại.

Sự sai trái của những người này là không có gì để bàn cãi. Nhưng đưa họ ra như một hiện tượng “phá hoại đạo pháp” thì phải xem lại. Công bằng mà nói, họ mới chính là những người đang rất cần được quý tăng ni giáo hóa, và cần phải giáo hóa họ trước hết, phải quan tâm họ hơn cả những Phật tử thuần thành đang thường xuyên về chùa. Còn nếu chư vị tăng ni từ chối trách nhiệm này thì ai sẽ giáo hóa họ?

Bây giờ nói đến việc “vấn nạn loại tăng ra khỏi Tam bảo”? Chuyện này theo tôi là một cách đặt vấn đề hoàn toàn vô lý và thậm chí trong đó còn hàm ý xem thường Tam bảo. Vì sao vậy? Một nhóm người si mê lầm lạc, không hiểu Chánh pháp nên đi lạc đường, mà lại có thể đủ sức làm tan rã, sụp đổ Tam bảo, thì liệu đó có còn là Tam bảo nữa chăng? Nếu họ có thể thành công trong việc loại trừ chư Tăng ra khỏi Tam bảo, thì liệu chư tăng có còn là Tăng bảo nữa chăng? Chánh pháp trường tồn do sự đúng thật của chân lý Phật dạy, chứ không phải nhờ vào sức mạnh hay bất kỳ tổ chức nào. Các pháp nạn trong lịch sử đã từng chứng minh, khi chư tăng bị truy sát, giết hại, chùa chiền bị đập phá, kinh điển bị thiêu rụi… nhưng rồi Tam bảo vẫn tồn tại, đạo Phật vẫn tồn tại đến nay đó thôi. Tam bảo uy nghi sừng sững giữa thế gian, đến Ma vương Ba-tuần thần thông quảng đại cũng không thể phá hoại, sao lại có thể suy vi vì một nhóm người mê muội? Đối với tôi, điều này là hoàn toàn vô lý.

Điều đáng lưu ý hơn lại chính là cách đặt vấn đề trong bài viết này. Mượn lời một phụ nữ, thầy G. T nêu lên trường hợp của cư sĩ Đoàn Trung Còn và cư sĩ Mai Thọ Truyền như là những người đã từng “tẩy chay” Tăng bảo, rồi liên kết những người trong các “Ban Hộ niệm tự phát” với 2 vị này. Những điều này hoàn toàn sai sự thật và thật nguy hiểm, vì nó vừa xúc phạm những vị cư sĩ đáng kính đã từng đóng góp rất nhiều cho Phật pháp, lại vừa tạo ra một ấn tượng bất hòa giữa tăng ni và cư sĩ, vốn là điều hoàn toàn không nên có trong đạo Phật.

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là cây đại thụ trong giới cư sĩ miền Nam, được so sánh với cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám ở miền Trung, đều là những người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo. Còn việc ông có thái độ gì bất kính với chư Tăng, quả thật tôi chưa từng nghe biết! Ngôi chùa Phật học Xá Lợi quả là do ông đứng ra cáng đáng việc xây dựng từ đầu đến cuối, nhưng tên chùa là do Cố Hòa thượng Thích Khánh Anh đặt cho. Chưa nghe ai nói ông xây chùa này cho giới cư sĩ cả! Anh có thể đọc thêm về vị cư sĩ này tại đây:

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-86_4-14241_5-50_6-1_17-113_14-1_15-1/

Về cư sĩ Đoàn Trung Còn, vừa là một học giả Phật giáo thuộc thế hệ trước, vừa là một người tận tụy với Phật pháp cho đến tận cuối đời. Đóng góp của ông vô cùng lớn lao, không ai có thể phủ nhận được. Còn việc ông tham gia thành lập Tịnh độ Cư sĩ Việt Nam không có tăng hiện diện trong đó thì cũng là điều tất nhiên, vì như tên gọi đã nói rõ, ông chỉ quy tụ những người cư sĩ tu Tịnh độ vào hội này. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là họ tu tập không có chư tăng dẫn dắt. Việc cho rằng ông “vì bất mãn một các thầy (tăng)” nên mới thành lập Tịnh độ Cư sĩ Việt Nam là điều hoàn toàn vô căn cứ, thậm chí có thể xem là vu cáo người đã khuất. Anh có thể đọc thêm về vị cư sĩ này tại đây:

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-165_4-14225_5-50_6-1_17-12_14-1_15-1/

Còn một sự thật khác có thể chứng minh rằng luận điểm trên là hoàn toàn sai lầm. Đó là chính bản thân cư sĩ Đoàn Trung Còn trong suốt nửa cuối của cuộc đời đã xuất gia thọ giới tỳ-kheo thành một vị tăng nghiêm trì giới luật. Ngay trước khi viết bài này, tôi đã điện thoại nói chuyện với anh Đoàn Trung Việt, con trai của cư sĩ Đoàn Trung Còn, để xác nhận sự thật này. Hiện anh Việt vẫn còn lưu giữ các giấy tờ liên quan đến việc xuất gia của cư sĩ trước đây. Nếu như quả thật có chuyện “đường lối là đối lập hẳn với Tăng Bảo, tìm cách loại Tăng giống như Cư Sĩ Đoàn Trung Còn và Cư Sĩ Mai Thọ Truyền năm xưa” thì làm sao ông lại có chí nguyện xuất gia? Quả là vô lý!

Một điều đáng buồn là trong bài viết của thầy G. T. có quá nhiều điểm không phù hợp với tinh thần Phật pháp. Chẳng hạn, nói về việc chư tăng đến tụng niệm phải có tiền công đức, tiền lễ tạ… thầy viết (qua lời nhân vật phụ nữ trong bài): “Không công đức, không tạ lấy đâu tu sửa chùa chiền, nuôi chúng điệu ăn học, tiếp nối phật pháp tương lai.”

Điều này thật quá sai trái. Phật pháp chưa bao giờ tồn tại và tiếp nối nhờ vào những đồng tiền cúng tạ hay công đức đó. Bậc phước điền của nhân gian, sở dĩ nhận cúng dường là để tạo điều kiện cho người thế gian gieo trồng phước đức (như nghĩa của chữ phước điền – ruộng phước), chứ không phải để dùng tiền ấy duy trì Phật pháp. Chư Tổ xưa kia – và cả hiện nay – nhiều vị không hề tham gia những việc cúng kính, lễ lạt, họ vẫn có thể tu tập thành tựu, hoằng dương Chánh pháp. Còn nói dùng tiền đó để tu sửa chùa chiền thì càng sai lệch. Nhiều ngôi chùa hiện nay đã xây và đang xây, kinh phí đến hàng chục tỷ đồng, Phật tử vẫn cung kính đóng góp đầy đủ, đâu đợi quý thầy phải “gom tiền đi cúng” về để xây?

Và đây là lời của chính vị sư trong bài viết của thầy G. T.

“Chùa xây cất được là từ những đồng tiền hỷ cúng của phật tử khi mời chư tăng đến nhà hộ niệm, hiếu sự, các vị làm thay việc của quý chư tăng hết, phật pháp sẽ không còn tồn tại ở thế gian.”

Tôi hỏi thật nhé, anh Q, N. có nghĩ điều này là đúng chăng? Chỉ vì một đám cư sĩ lo hết chuyện hộ niệm, hiếu sự mà thầy cho rằng quý chư tăng đã hết chuyện làm, và Phật pháp sẽ không còn tồn tại ở thế gian. Ôi! Sao lại có lý lẽ như thế được? Lẽ nào chư tăng chỉ lo mỗi những việc hộ niệm, hiếu sự thôi sao? Và lẽ nào Phật pháp tồn tại chỉ nhờ chư tăng có làm những việc này?

Theo tôi, chính bởi cách hiểu về chư tăng như thế nên mới nảy sinh cái thảm họa có những người xem thường tăng ni, thiếu cung kính với Tăng bảo. Tất nhiên những người ấy là hoàn toàn sai trái rồi, nhưng bản thân những ai hiểu về vai trò của chư Tăng một cách cạn cợt như trên cũng cần phải xem lại, nếu không thì chính mình sẽ làm mất đi giá trị của Tăng bảo mà không tự biết.

Thật ra, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa chư tăng và cư sĩ không phải ở những việc như cất chùa, giảng giải, dịch kinh, viết sách… như thầy G. T. nêu ra. Những việc này vẫn có những cư sĩ làm được và thậm chí có khi còn làm tốt hơn cả chư tăng. Những ngôi chùa lớn xưa kia đều do các vị vua chúa hoặc những người giàu có (cư sĩ) xây dựng, hoàn tất rồi mới thỉnh chư Tăng về an trú. Cư sĩ giảng kinh cho chính quý thầy ngồi nghe thì gần đây có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám mà tôi vừa nhắc ở trên. Lớp Phật học đầu tiên của thế kỷ trước tại chùa Báo Quốc có mời ông đến giảng thường xuyên cho các vị học tăng. Mỗi khi đi giảng ông đều mang theo kinh, sách trong cặp, bước lên xe ngồi là mở ra xem, cho đến nơi mới gấp sách lại, không bỏ phí dù chỉ một chút thời gian. Việc dịch kinh, viết sách cũng vậy, xưa nay chưa hề có phân biệt tăng hay cư sĩ, tất cả đều có sự đóng góp tích cực cho Đạo pháp. Thế nhưng, tất cả những vị cư sĩ chân chính đều duy trì sự cung kính đối với chư tăng ni, bởi họ luôn hiểu được chỗ khác biệt quan trọng nhất giữa bản thân họ với những người đứng vào hàng Tăng bảo: Đó chính là sự nghiêm trì giới luật và đạo hạnh cao quý. Một vị tăng dù chưa từng xây chùa, giảng kinh, viết sách… nhưng chỉ cần nghiêm trì giới luật, tu tập chân chánh là đã đủ xứng đáng cho hàng cư sĩ quỳ lạy cung kính. Ngược lại, một vị tăng dù có công vận động xây dựng chùa lớn, có tài uyên bác thuyết giảng kinh luận thông suốt, nhưng nếu không sống theo đúng giới luật, không giữ được đạo hạnh, thì bản thân vị ấy đã không xứng đáng đứng trong Tăng đoàn, đã không thể xem là một phần của Tăng bảo. Sự khác biệt giữa chư tăng và cư sĩ cần phải được hiểu như thế.

Và ở đây mới chính là chỗ chúng ta cần quan tâm. Chỉ cần chư Tăng nghiêm cẩn tuân theo Giới luật – như Phật từng dạy, phải lấy Giới luật làm thầy – và duy trì được nếp sống đạo hạnh, thì không có gì phải lo âu vì đám cư sĩ mê muội lầm lạc kia, làm sao họ có thể đủ sức mà “loại tăng ra khỏi Tam bảo”? Còn nếu có những vị tăng không ra tăng, giới luật không giữ theo, sống buông thả phóng túng, thì chính những người ấy đã tự loại mình ra khỏi Tăng đoàn, đã không xứng ở trong Tăng bảo, mà dù không ai loại trừ họ, thì một khi nhắm mắt xuôi tay họ cũng không thể lừa dối được luật nhân quả.

Bởi vậy, bổn phận người cư sĩ vẫn là phải luôn cung kính đối với Tam bảo, cho dù có những kẻ lẫn lộn trong Tăng đoàn không giữ được tư cách của một vị tăng, thì đó cũng không phải việc của hàng cư sĩ có thể mang ra phê phán hay bất mãn như lời thầy G. T. đã gán cho các vị Đoàn Trung Còn và Mai Thọ Truyền trong bài viết này. Mà chuyện thầy lo “chư tăng bị loại ra khỏi Tam bảo” lại là chuyện hoàn toàn vô lý và khó hiểu.

Đến đây, có lẽ anh Q. N. cũng đã hiểu hết được ý tôi. Còn bao nhiêu việc khác mà thầy G. T. nêu ra trong bài, cũng như tác giả M. G. nhắc lại và tô đậm thêm trong bài viết sau đó, theo tôi cũng đều là những chuyện tương tự như thế. Lời xưa có nói: “Vàng thật không sợ lửa.” Tôi nghĩ câu này có lẽ thích hợp để nêu lên ở đây. Chỉ cần quý tăng ni đều là “vàng thật”, thì đám người mê muội kia sẽ chẳng làm được gì ngoài việc tụ họp và lôi kéo những người cũng mê muội như họ. Nhưng nếu chư tăng thể hiện được vai trò giáo hóa của mình, thì tôi tin rằng cũng sẽ có không ít người trong bọn họ sớm quay về đường ngay nẻo chánh.

Giờ tôi xin quay lại với điều mà tôi cho là đáng quan tâm hơn những gì đã nêu ra trong các bài viết này. Đó là một vấn đề cũng liên quan đến Tam bảo. Chúng ta ai cũng biết, Tam bảo khởi đầu từ đức Phật; sau khi đức Phật chuyển Pháp luân thì thế gian có Pháp bảo; sau khi có những người phát nguyện lìa bỏ thế tục, trọn đời đi theo con đường Chánh pháp thì thế gian này có Tăng bảo. Thế thì, có Phật mới có Pháp; có Pháp mới có Tăng, có Tăng rồi mới trọn đủ Tam bảo. Nay chúng ta không cần phải lo “tăng bị loại ra khỏi Tam bảo” như thầy G. T. mà thực sự nên lo cho việc Pháp bảo không được quan tâm lưu truyền, gìn giữ. Có lẽ đã đến lúc chư tăng cần quan tâm nhiều hơn đến việc này, thay vì là để buông xuôi tự phát đến đâu thì đến như trong suốt thời gian qua. Nếu được như vậy, người cư sĩ sẽ có nhiều điều kiện hơn để hiểu đúng Chánh pháp, sẽ giảm thiểu đi những kẻ mê muội lầm đường lạc lối.

Chánh pháp là phương tiện duy nhất của chư Tăng để hàng phục tà ma ngoại đạo, cũng là để giáo hóa chúng sinh. Nếu Chánh pháp được xiển dương thì có gì phải lo ngại đối với những kẻ mê muội hay đối với ngoại đạo tà giáo?

Đôi lời thô thiển, hy vọng có thể giúp anh giải trừ đôi phần nghi ngại. Tôi thường rất ít khi dành thời gian cho những bài viết như thế này, bởi còn rất nhiều việc khác đang dở dang cần hoàn tất. Tuy nhiên, đã nhận được thư anh với sự quan tâm đúng đắn về Đạo pháp, làm sao tôi có thể không trả lời? Vì thế mới tùy tiện viết ra bài này chỉ trong thời gian ngắn ngủi, nếu còn có những chỗ nào sơ sót mong anh bỏ qua cho.

Thân chúc anh và gia quyến vạn an, tu tập tinh tấn.

Thân kính,

Nguyễn Minh Tiến

3 comments on “SUY NGHĨ VỀ VẤN NẠN LOẠI TĂNG RA KHỎI TAM BẢO

  1. Bài viết với lý sự rõ ràng rất lợi lạc cho người tu học. Thiết nghĩ rằng ngôi nhà Phật pháp cần được mọi người con Phật, không phân biệt tăng sĩ hay cư sĩ, cùng góp sức vun bồi thì mới phải. Trong bối cảnh đạo Phật VN hiện nay, hình ảnh thì thấy có phát triển (chùa to, Phật lớn, số tăng ni được gởi du học khá đông) nhưng thực chất thì rất suy đồi trong hàng ngũ cư sĩ lẫn tăng sĩ. Đáng trách nhất là trong giới tăng sĩ, nạn tăng thương mạn, kiến thủ quá nặng nề của các giảng sư khiến đôi lúc hủy báng Chánh pháp mà không hay, cứu cánh an lạc và giải thoát bị lu mờ đi. Điển hình có giảng sư dám phát biểu rằng tu Tịnh Độ là mê tín, không có Phật A-Di-Đà, không có Tây Phương Cực Lạc, ….và từ đó biết bao nhiêu là sự mạ lỵ khác dành cho Pháp môn nầy. Hiện trạng thiếu từ bi đó đã làm cho người con Phật sơ căn mất dần niềm tin vào Chánh pháp không ít, thậm chí gây căm phẫn giữa các tông phái với nhau ! Như thế thì tiền đồ của đạo Phật sẽ ra sao đây ?

    Thích

Gửi phản hồi cho HÒA TÂM Hủy trả lời