Người Phật tử nên đọc Kinh điển như thế nào?

Cách đây ít lâu – chính xác là ngày 14 tháng 9 – một bài viết được đăng lên trang Phật giáo Thư viện Hoa sen có nhan đề “Kinh Vu Lan Bồn thực hay giả?” của tác giả Đáo Bỉ Ngạn. Ngay hôm sau đó, bài viết này cũng xuất hiện trên trang Văn hóa Phật giáo và gợi lên một loạt những tranh biện kéo dài đến hơn một tháng sau. Ý kiến cuối cùng được đăng bên dưới bài viết này là vào ngày 20 tháng 10.

Qua bài viết trên và các ý kiến tranh biện của người đọc, tôi nhận ra khá nhiều sai lệch từ cả 2 phía, dù là tán thành hay không tán thành. Vì thế, tôi có cảm nhận là bài viết này không mang lại lợi ích về mặt tu tập cho cả người viết lẫn người đọc. Mặc dù bài viết không có giá trị nhiều lắm về mặt học thuật, do tác giả vấp phải quá nhiều sai sót rất cơ bản, nhưng rõ ràng đây là vấn đề khiến nhiều người Phật tử quan tâm. Bản thân tôi đã được BBT Văn hóa Phật giáo online chuyển cho xem thư bạn đọc gửi về Tòa soạn bày tỏ ý kiến quan ngại về bài viết này. Điều quan trọng hơn nữa là, những ý kiến của đa số người đọc cho thấy họ có phần nào đó còn rất mơ hồ trong việc tiếp cận Kinh điển, vốn là nguồn Giáo pháp quan trọng và chuẩn xác nhất cho người học Phật. Vì thế, tôi sẽ cố gắng trình bày trong bài viết này một vài kinh nghiệm bản thân cũng như những nhận thức chân chánh mà người Phật tử rất cần phải có khi đọc Kinh điển. Và như đã nêu trong tiêu đề bài viết, nội dung bài này sẽ không nhằm mục đích tranh biện, vì điều đó không cần thiết, mà chỉ thông qua sự phân tích sơ lược một vài điểm trong bài viết “Kinh Vu Lan Bồn thực hay giả?” để trình bày với người đọc một vấn đề quan trọng và có tính phổ quát hơn trong sự tu tập. Đó là: Người Phật tử chúng ta nên đọc Kinh điển theo cách như thế nào? Nếu vấn đề này được làm sáng tỏ, thì chắc chắn người đọc sẽ không còn khởi tâm nghi ngại khi có người nêu lên những vấn đề tương tự. Và trong thực tế thì điều tương tự cũng đã từng xảy ra với Kinh Pháp Hoa, Kinh A-di-đà, Kinh Địa Tạng… và nhiều Kinh điển Đại thừa khác. Tiếp tục đọc